Category Archives: Reviews and Articles

[Review] Berlin syndrome (2017)

“Berlin syndrome” (Hội chứng Berlin) (tựa đề tiếng Việt “Mất tích ở Berlin) là một trong chín bộ phim nằm được trình chiếu cho khán giả Việt Nam tại Liên hoan phim Đức lần 8. Tuy không được giải thưởng nào nhưng bộ phim nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Các bài review về phim không thiếu, chủ yếu bình luận về tình yêu lãng mạn, rùng rợn, nhục cảm, bệnh hoạn, bạo lực, chiếm hữu, xen lẫn các yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, ở bài review của mình, mình sẽ khai thác về khía cạnh tâm lý để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn (Nói thật là phim với mình khá ổn, nhưng khi xem phim thì tâm trạng của mình rất xấu do tác động từ ngoại cảnh đó là các bạn khán giả khác. Mình không có ý chỉ trích vì gout phim khác nhau, khả năng cảm nhận phim khác nhau, cách thể hiện cảm xúc cũng khác nhau nhưng các bạn xem phim hơi ồn ào và vô duyên, nhất là với các cảnh nóng hay kịch tính, man rợ)

“Du lịch đến Berlin một mình. nhiếp ảnh gia xinh đẹp Clare gặp ngay một anh chàng giáo viên hào hoa và lập tức bị thu hút bởi anh ta. Sau vài buổi đi chơi, Clare theo chàng trai về nhà để rồi sau một đêm ân ái, sáng hôm sau tỉnh dậy nhận ra mình bị nhốt trong một căn hộ biệt lập mà không thể thoát ra.

Càng tìm cách trốn, Clare càng kẹt cứng trong nỗi sợ hãi lẫn tuyệt vọng, trong khi anh bạn trai dần lộ nguyên hình là một kẻ biến thái mà cô không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.”

(Theo mothegioi.vn) (Mình ngại tóm tắt lại :p)

Tên tiếng Việt của bộ phim là sự mô tả lại tình tiết nổi, dẫn đến toàn bộ nội dung, tuy nhiên mình lại ưng với cái tên gốc “hội chứng” hơn vì phim khai thác sâu vào diễn biến tâm lý của hai nhân vật chính Clare và Andi. Cái tên này còn gợi đến hội chứng Stockholm – con tin bị bắt cóc chuyển từ trạng thái sợ hãi, căm ghét sang đồng cảm, thương yêu kẻ đã bắt cóc mình. Quay lại về các tình tiết trong phim, khi phát hiện ra mình bị Andi nhốt lại và có những biểu hiện bệnh hoạn, xuất phát từ diễn biến tâm lý bình thường của nạn nhân bị bắt cóc, Clare cũng ghê sợ, ác cảm, căm thù Andi. Tuy nhiên, đến gần cuối phim xuất hiện một sự kiện mang tính đảo chiều: bố của Andi qua đời. Nhiều ngày Andi không về nhà, để Clare lại một mình, khi trở về, Andi gục ngã trong vòng tay của Clare, còn Clare chào đón Andi với câu “Em tưởng anh sẽ không bao giờ quay về nữa”. Khoảnh khắc đó, giữa kẻ bị bắt cóc và kẻ bắt cóc, giữa hai kẻ yêu và hận nhau đã có giây phút chữa lành và bao bọc, nương tựa vào nhau để tồn tại.

Phần lớn các bình luận đều tập trung vào Clare và có những quan điểm đồng thuận về tâm lý nhân vật nữ chính; trái lại, nhân vật Andi chủ yếu được miêu tả là kẻ bệnh hoạn, điên rồ, chiếm hữu mà không tìm hiểu động cơ, nguyên nhân, cơ sở dẫn đến tâm lý của nhân vật đáng sợ, đáng căm ghét và đáng thương này. Mình không học về Tâm lý nhưng khá hứng thú với lĩnh vực này, trên khía cạnh tâm lý, việc lùng tìm nguyên do dẫn đến một hành động trong hiện tại, tìm hiểu động cơ trong vô thức điều khiển ý chí của con người chính là ngành Phân tâm học.

Tuy không được thể hiện quá rõ nhưng rải rác xuyên suốt bộ phim là các đầu mối mỏng manh. Trong cuộc đối thoại với bố, hoàn cảnh gia đình của Andi có thể được tiết lộ, đặc biệt là nhân vật người mẹ đã bỏ đi, Andi tỏ ra lạnh lùng, chán ghét và không muốn nói chuyện với bà. Đó chính là lý do vì sao Andi chỉ chọn các nạn nhân là khách du lịch – những người không lưu lại nơi chốn đi qua, việc Andi nhốt họ lại phản ánh nỗi sợ hãi, lo lắng, bất an về việc sẽ bị người yêu thương bỏ đi như người mẹ của mình.

Gấn cuối phim, chi tiết về album ảnh gia đình của Andi vẫn khiến mình băn khoăn vì cảnh quay khá nhanh, nhìn không rõ. Trong album là ảnh ký ức Giáng sinh chụp với bố khi Andi còn nhỏ, cuối cùng là các bức ảnh về một người phụ nữ bị hành hạ giống như cách mà Andi đối xử với Clare. Vì vậy, mình suy đoán, có thể đó là mẹ của Andi và đó chính là lý do vì sao bà ra đi, hành động của Andi là hành động sao chép, học tập lại từ người bố mang tính ám ảnh từ trong vô thức.

Lan man quay về tên phim một tẹo, tên phim và cuộc đối thoại giữa hai bố con Andi về lịch sử – chính trị, đại loại là “Đông Đức có công lý ư?” khiến mình nhớ tới sự kiện Bức tường Berlin chia cắt nước Đức thành Đông Đức và Tây Đức, người dân Đông Đức tìm cách bỏ trốn sang Tây Đức. Nhân vật Clare cũng đã nói rằng cô quan tâm tới văn hóa, nghệ thuật … các khía cạnh về Đông Đức (thuộc vùng chiếm đóng của Liên Bang Xô Viết trong lực lượng quân Đồng Minh sau Thế chiến II). Có thể thấy, Andi là một người rất mâu thuẫn, anh ta phản đối lý tưởng về Đông Đức nhưng hành động lại rất Đông Đức (chiếm hữu, xiết chặt) và bị hấp dẫn bởi một người quan tâm về Đông Đức như Clare.

Nói thêm về tính mâu thuẫn và mối quan hệ mẹ-con của Andi đang phân tích dở ở trên, chắc chắn Andi rất yêu mẹ. Cái cách Andi chăm sóc người yêu tỉ mẩn từ việc tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, mua đồ lót, đồ chơi, đưa chú chó của người bố đã mất về để bầu bạn với Clare hẳn là học tập từ bố (điều này chỉ là mình linh cảm vì bố của Andi có vẻ ngoài là người hiền lành, chu đáo, biết lắng nghe), hoặc đó là những điều Andi khao khát được mẹ làm cho mình. Andi cũng rất yêu Clare. Andi bị tổn thương khi Clare thú nhận khi cô nói “Giá như có thể ở lại đây mãi mãi” chỉ là lời nói lúc nông nổi (với người bình thường thì sau dần có thể tha thứ, chấp nhận buông bỏ nhưng với Andi thì anh ta coi là thật và ghim giữ trong lòng). Andi nhốt Clare lại, nhưng hãy để ý tới việc anh ta không hề giấu đi những thứ có thể được dùng làm vũ khí (dao, kéo, tuốc-nơ-vít, lửa …), có thể thấy Andi không hề đề phòng Clare, thứ anh ta muốn là không khí đầm ấm, đủ đầy của gia đình nhưng lại biểu hiện qua hành động chiếm giữ. Một chi tiết nữa cũng có thể thấy thói ghen tuông xuất phát từ cảm giác sợ mất đi người yêu thương của mình là khi Andi mang chú chó của người bố đã mất cho Clare đề bầu bạn, mục đích ban đầu là vậy nhưng một ngày Andi dẫn chó đi dạo và chú chó không bao giờ quay về nữa. Andi đã giết chú chó, vì thấy Clare thân mật, yêu thương chú chó, mà anh ta không đời nào chấp nhận việc san sẻ.

Tình tiết Andi đưa Clare ra ngoài và có ý giết cô không đơn thuần là biểu hiện của một tên tội phạm tàn ác. Khi Andi hỏi Clare chấm điểm về tình yêu của họ không phải là câu hỏi vu vơ, anh ta cũng không kì vọng câu trả lời là 10/10, anh ta ư hoang mang xáo trộng, vừa yêu vừa thấy có lỗi vừa không thể ngăn lại sự xui khiến của vô thức. Giết Clare là vì không chấp nhận được việc Clare thay đổi (bị giam cầm nên Clare cũng có những biểu hiện của dồn nén, ức chế, hành động khác với Clare ban đầu mà Andi phải lòng), vừa muốn Clare mãi mãi thuộc về mình.

Cái chết của Andi ở cuối phim là một tất yếu. Đó không phải là hành động đền tội hay tự sát vì sợ hãi cảnh sát sẽ đến. Một người bị rối loạn tâm thần không có ý thức như vậy. Andi chọn cái chết vì tất cả những người thương yêu đều đã không còn nữa: mẹ, bố và Clare, một người khao khái  mái ấm gia đình như anh ta không thể ở một mình.

Cũng như những bình luận khác, mình tin Clare cũng yêu Andi, từ lúc bắt đầu cho đến suốt quãng thời gian bị giam cầm. Nhưng một khi tình yêu có mùi chiếm hữu độc tài, lòng yêu bản thân và khát vọng sống – khát vọng tự do mãnh liệt của con người luôn lớn hơn và tìm cách đào thoát khỏi thứ tình yêu méo mó kia. Và kết thúc khi Clare thoát được ra nhờ sự giúp đỡ của Franka (học trò của Andi), cô gọi cảnh sát đến, mình nghĩ một phần vì đó là việc một kẻ tâm thần và giết người như Andi tất nhiên phải chịu trách nhiệm trước công lý, một phần vì Clare không muốn Andi phải chết rục một mình trong chính căn phòng đó. Đó cũng là hành động yêu thương cuối cùng của Clare dành cho Andi, chứ không trừng phạt bằng bạo lực bột phát.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim nên mình tin mỗi phim đều hay, chỉ có điều mình không đi xem hết được. Mình sẽ cố gắng viết review phim mình đã chọn rất cẩn thận, gọi là hợp gout để xem. Review không nhất thiết phải nhanh trước mọi người, quan trọng là sự khác biệt 🙂

 

[Review] Ancien and The Magic Tablet (Giải mã giấc mơ)

Anime “Ancien and the magic tablet” (Giải mã giấc mơ) của đạo diễn Kenji Kamiyama kể về cuộc phiêu lưu vào Vương quốc Heartland trong giấc mơ của cô bé Kokone để giải cứu cho người cha của mình. Kokone là một cô bé học sinh cấp ba hồn nhiên, khẳng khái, thích ngủ; cô bé sống cùng cha Momotaro – một người thợ sửa chữa ô-tô. Một ngày kia, Momotaro bị bắt do bị tình nghi đã đánh cắp chiếc máy tính bảng chứa bí mật công nghệ của tập đoàn Shijima. Trong hành trình giải cứu cha, Kokone phát hiện ra bí mật về những giấc mơ và thân thế của mình. Trong giấc mơ, Kokone là cô công chúa Ancien bé bỏng ở vương quốc Heartland – vương quốc của công nghệ, kĩ thuật chế tạo. Ancien có khả năng đặc biệt sử dụng một chiếc máy tính bảng để thổi hồn vào các đồ vật, máy móc. Một ngày nọ, một con quái vật hắc ám tấn công vương quốc, Ancien không những phải tìm cách bảo vệ vương quốc mà còn phải chống lại tên quốc sư nhăm nhe chiếm ngai vàn.

Các tình tiết trong phim được phân bố đều về dung lượng xảy ra ở hai thế giới, tuy nhiên hai thế giới này không diễn ra song song mà được lồng xoắn vào nhau như cấu trúc ADN. Nửa đầu bộ phim, Kokone chưa nhận thức được tính “thực” của thế giới trong mơ; ở nửa sau, hai thế giới không còn tách biệt mà giao hòa với nhau dựa trên tính tương hỗ khi các nhân vật có thể đi lại giữa hai thế giới thông qua giấc mơ của Kokone, mỗi sự kiện trong thế giới này tác động đến thế giới kia.

Phim không có những cảnh tâm lý “đắt” – đặc sản của khá nhiều anime nổi tiếng (“Your name”, “5cm/s”, “Khu vườn ngôn từ”, “Bên kia áng mây nơi ta hẹn ước” …) dựa trên hiệu ứng khoảng lặng âm thanh, nhạc nền da diết, đồ họa và kĩ xảo lung linh. Điều này có thể giải thích bởi so sánh với những anime kể trên khai thác về tâm lý, tình yêu, anime thể loại phiêu lưu này hướng tới đối tượng là các em nhỏ, thiếu niên. Tuy vậy,phim vẫn ẩn chứa những thông điệp nhẹ nhàng sâu lắng qua từng chi tiết nhỏ – đây chính là điểm mạnh của phần lớn phim điện ảnh, truyền hình hay anime của Nhật Bản.

Chắc hẳn, trong mỗi đứa trẻ hay chính chúng ta khi là một đứa trẻ đã từng tưởng tượng sở hữu siêu năng lực hay phép thuật, hay mơ ước là hoàng tử, công chúa. Kokone trong giấc mơ là cô công chúa Ancien bé nhỏ, có lòng nghĩa hiệp, gan dạ và trái tim nhân hậu – đó có thể chỉ là mô tả chính xác về Kokone, cũng có thể là hi vọng của người cha về con mình. Các nhân vật khác trong mơ cũng dựa trên các nhân vật ngoài đời thực: quốc vương là ông ngoại uy quyền, nghiêm khắc, tay quốc sư là gã phó giám đốc mưu mô, chú chó Joy – người bạn đồng hành trung thành của Ancien là chú chó bông – món quà mẹ Kokone trước khi qua đời để lại, các chiến hữu của Peach là những cộng sự từng làm việc cùng Momotaro, …

Xuyên suốt khắp bộ phim là các yếu tố ẩn dụ mang thông điệp từ đạo diễn. Heartland Vương quốc của công nghệ chế tạo nhưng hàm chứa “trái tim” trong cái tên của mình – điều mà Ancien đem đến cho các đồ vật vô tri vô giác, ban cho chúng suy nghĩ, cảm nhận, trở thành người bạn, công cụ hỗ trợ của con người. Và trong cuộc hành trình của Kokone, chiếc máy tính bảng ở đời thực không hề có phép thuật, phép thuật chính là sự kết nối, tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm. Kokone sẽ không thể cứu được cha nếu không có cậu bạn Morio (nhân vật duy nhất ở thế giới thực không đóng vai trong thế giới ảo) luôn sát cánh, chú chó bông Joy trung thành, những người đồng nghiệp cũ của cha cho cô bé lên tàu và ăn miễn phí, …

Khán giả nhí cũng như những người lớn muốn tìm lại tuổi thơ có thể dễ dàng nhận ra màn chiến đấu giữa headmachine và quái vật rất giống với cảnh chiến đấu trong các series supersentai của Nhật Bản. Đó không đơn thuần là màn chiến đấu giữa thế lực bóng tối và chính nghĩa mà còn là cuộc chiến giữa loài người và hậu quả của việc lạm dụng công nghệ trong thời kì cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Những con robot headmachine dù  tiên tiến, đồ sộ vẫn cần đến tác động vật lý từ con người để hoạt động, chống lại quái vật dưới đáy sông – mối đe dọa tiềm ẩn con người không lường trước được.

Tuy là bộ phim thuần cho trẻ em nhưng nó cũng nhắn gửi tới các bậc phụ huynh về cách giáo dục cho con trẻ. Thay vì để bé gắn với các thiết bị công nghệ đến mức quên đi thế giới thực, hãy hướng dẫn cho bé sử dụng công nghệ như công cụ để chắp cánh ước  mơ, phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Đồng thời hãy dạy cho bé sống chan hòa với mọi người xung quanh bằng tấm lòng chân thành, giống như Kokone (viết theo Hán tự chứa chữ “tâm” và “thanh âm” – tiếng lòng) và mẹ của cô bé, người vẫn luôn tin tưởng “Nếu có thể hợp nhất, chúng ta có thể bay lên.”

(HP, 22/06/2017)

 

[review] Organ mùa xuân – Kazumi Yumoto

Nếu như ở Hàn Quốc, khi nhắc tới bốn mùa trong năm, ngay lập tức những tín đồ của phim ảnh sẽ có thể rành rọt kể tên “Điệu valse mùa xuân”, “Hương mùa hè”, “Trái tim mùa thu” và “Bản tình ca mùa đông” thì ở Nhật Bản cũng có “Organ mùa xuân”, “Khu vườn mùa hạ” và “Mùa thu của cây dương”.

Với bạn đọc ở Việt Nam như tôi, tôi tin là như vậy, và cả với bạn đọc trên thế giới, hẳn nếu ai đã yêu mến “Khu vườn mùa hạ” (1992) sẽ hoàn thành nốt bộ sách của Kazumi Yumoto ngay khi “Organ mùa xuân” (1995) và “Mùa thu của cây dương” (1997) được xuất bản.

Tôi không muốn so sánh truyện thiếu nhi của Kazumi Yumoto với Nguyễn Nhật Ánh hay Rene Goscinny bởi mỗi người có một “bút màu” riêng, và người đọc còn có thể cảm nhận được sự khác biệt rất rõ nét trong “national identiy” của mỗi tác giả kể trên. Bạn có thể thích dòng truyện viễn tưởng, phép thuật, phiêu lưu như “Harry Potter”, bạn có thể say sưa những câu chuyện hài hước, dí dỏm của nhóc Nicholas, hay bạn có thể là fan của những trò chơi tuổi thơ nghịch ngợm của tụi trẻ con miền Nam mà bác Nguyễn Nhật Ánh kể, còn tôi lại yêu mến những câu chuyện gia đình, làng xóm, bạn bè hết sức bình dị, nhẹ nhàng và rất Nhật.

Không khó gì để có thể nhặt ra những nguyên liệu chính – hay có thể coi là bí kíp của tác giả trong ba cuốn sách: lũ trẻ, những người già và thế giới chung.

Điểm nhìn trong truyện của Kazumi Yumoto được đặt dưới góc nhìn của lũ trẻ – nhân vật chính. Bởi vậy, dường như lũ trẻ đó không quá đơn thuần, thơ ngây mà có cái nhìn đặc biệt tỉ mỉ, tinh tế, nhạy bén. Truyện của Kazumi Yumoto cũng giống như một phần lớn tác phẩm trong văn học Nhật, nơi các nhân vật được miêu tả trong những bối cảnh hết sức quen thuộc của mái nhà, con phố, trường học, khu vườn, siêu thị… tưởng chừng nhàm chán, tù túng, chật hẹp, ít có tiềm năng để khai thác. Những con người nhỏ bé có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu đó lại luôn từng giây từng phút đối mặt và giải quyết những nỗi băn khoăn, hoang mang, âu lo của đời sống thường nhật vốn dĩ cứ quay miết đến nhạt nhẽo và mệt nhoài. Lũ trẻ đó, chí ít nếu không nghịch ngợm, tò mò, chín chắn trước tuổi (Kiyama, “Khu vườn mùa hạ” & Tatsu “Organ mùa xuân”) thì cũng chịu những nỗi đau vì mất mát, cơn khốn khó chật vật của cơm áo gạo tiền, cô đơn vì thiếu vắng yêu thương (Chiaki, “Mùa thu của cây dương).

Còn Tomomi trong “Organ mùa xuân”, có khá nhiều điều để nói về cô bé. Thời gian của câu chuyện được thuật lại là khi Tomomi chuẩn bị lên cấp hai, những dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì cũng đã xuất hiện – đây là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi kép của trưởng thành. Cùng với tác động từ môi trường xung quanh – ở đây là gia đình: bố mẹ hay cãi vã, li thân, chìm đắm trong vấn đề của bản thân mà không biết cách đối xử với những đứa trẻ, bà nội vừa qua đời, ông nội tuy hơi kì quặc nhưng rất yêu thương và tâm lý với các cháu, cậu em Tetsu ham đọc sách, luôn có những ý tưởng kì lạ và luôn bướng bỉnh làm theo ý mình  nhưng có trái tim nhân hậu, Tomomi trải qua giai đoạn chuyển giao này một cách khó khăn. Cô bé cảm thấy có lỗi trước cái chết của bà, sợ hãi trước kẻ quấy rối, cô đơn và khao khát được yêu thương, được chú ý từ bố mẹ, mệt mỏi chán nản trước tình cảm rạn nứt, bất đồng quan điểm của bố mẹ. Tomomi chông chênh giữa một bên là sự ngây ngô của một đứa trẻ chưa thể tự giải quyết những vấn đề của mình, một bên là lối suy nghĩ già dặn, cứng cáp của một đứa trẻ nhạy cảm đang dần lớn lên.

15336611

Những đứa trẻ như Tomomi ấy cứ bồng bềnh trong thế giới riêng của mình. Chúng cần một điểm tựa, chúng cần một ai đó chỉ cho chúng cách bước ra và tìm đến một thế giới của những gam màu nhẹ nhàng và thanh âm trong trẻo. Người đó có thể chính là những người bạn nhỏ, cậu em nhỏ cùng nhau khám phá chẳng đâu xa mà ngay chính trong thành phố nhỏ của mình – căn nhà “hoang”, khu vườn, bãi rác thải, … Nhưng thường thì Kazumi Yumoto gửi gắm niềm tin của mình vào những người già:  ông lão không tên bí ẩn, bà cụ chủ nhà khó tính, bác Norie có vẻ ngoài đáng sợ, ông nội gàn dở luôn bám lấy những kỉ niệm xưa cũ. Những cụ già trong truyện của Kazumi Yumoto thoạt nhìn đều khó ưa, kì quặc nhưng trong trái tim tưởng chừng đã khô héo đó lại là tình yêu thương ấm áp, sự bao dung, và cả một thế giới đầy ắp những điều kì diệu.

41KRB7QGECL._SX332_BO1,204,203,200_

Bao giờ cũng vậy, mối liên hệ hình thành giữa lũ trẻ và những người già trong truyện của Kazumi Yumoto được xây dựng và vun vén để phát triển đều về hai hướng: lũ trẻ được yêu thương và dạy dỗ, được cầm tay dẫn đến một thế giới mới, và thế rồi chúng trưởng thành, các cụ già không còn lủi thủi cô đơn, sẻ chia vốn kiến thức rộng lớn và hơn hết là được san sẻ những kỉ niệm tưởng chừng như sẽ sớm bị chôn vùi của mình. Họ – lũ trẻ và những người già – bước ra từ thế giới nhỏ của mình để dựa vào nhau, cùng nhau tạo nên một thế giới mới tươi sáng, trong lành, ấm áp, thân thương (không gian vật lý trong nhiều tác phẩm văn học Nhật thường hẹp, nhưng dư vị cảm xúc đọng lại có thể mở rộng các chiều không gian trong tâm tưởng). Bởi chỉ có lũ trẻ mới làm dịu được trái tim già cỗi của các cụ, và cũng chỉ có những người già dày dạn trải nghiệm mới đủ bao dung, kiên nhẫn để cảm hóa và dạy chúng bài học về cuộc sống.

Tomomi không còn mơ thấy ác mộng nữa, cô bé cũng không còn sợ đi học, không còn canh cánh về cái chết của bà, không còn trách cứ bố mẹ, và hơn hết tự khi trong bản thân mình có thể lắng lại, nhận ra mọi người xung quanh đáng yêu hơn, thân thuộc hơn thì dường như tất cả đều tốt đẹp hơn. Đó cũng là khi chúng ta chấp nhận và học cách trưởng thành.

(24/4/2016 – by Tiểu Phong)

Đọc thêm:

[review] Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto