[review] Organ mùa xuân – Kazumi Yumoto

Nếu như ở Hàn Quốc, khi nhắc tới bốn mùa trong năm, ngay lập tức những tín đồ của phim ảnh sẽ có thể rành rọt kể tên “Điệu valse mùa xuân”, “Hương mùa hè”, “Trái tim mùa thu” và “Bản tình ca mùa đông” thì ở Nhật Bản cũng có “Organ mùa xuân”, “Khu vườn mùa hạ” và “Mùa thu của cây dương”.

Với bạn đọc ở Việt Nam như tôi, tôi tin là như vậy, và cả với bạn đọc trên thế giới, hẳn nếu ai đã yêu mến “Khu vườn mùa hạ” (1992) sẽ hoàn thành nốt bộ sách của Kazumi Yumoto ngay khi “Organ mùa xuân” (1995) và “Mùa thu của cây dương” (1997) được xuất bản.

Tôi không muốn so sánh truyện thiếu nhi của Kazumi Yumoto với Nguyễn Nhật Ánh hay Rene Goscinny bởi mỗi người có một “bút màu” riêng, và người đọc còn có thể cảm nhận được sự khác biệt rất rõ nét trong “national identiy” của mỗi tác giả kể trên. Bạn có thể thích dòng truyện viễn tưởng, phép thuật, phiêu lưu như “Harry Potter”, bạn có thể say sưa những câu chuyện hài hước, dí dỏm của nhóc Nicholas, hay bạn có thể là fan của những trò chơi tuổi thơ nghịch ngợm của tụi trẻ con miền Nam mà bác Nguyễn Nhật Ánh kể, còn tôi lại yêu mến những câu chuyện gia đình, làng xóm, bạn bè hết sức bình dị, nhẹ nhàng và rất Nhật.

Không khó gì để có thể nhặt ra những nguyên liệu chính – hay có thể coi là bí kíp của tác giả trong ba cuốn sách: lũ trẻ, những người già và thế giới chung.

Điểm nhìn trong truyện của Kazumi Yumoto được đặt dưới góc nhìn của lũ trẻ – nhân vật chính. Bởi vậy, dường như lũ trẻ đó không quá đơn thuần, thơ ngây mà có cái nhìn đặc biệt tỉ mỉ, tinh tế, nhạy bén. Truyện của Kazumi Yumoto cũng giống như một phần lớn tác phẩm trong văn học Nhật, nơi các nhân vật được miêu tả trong những bối cảnh hết sức quen thuộc của mái nhà, con phố, trường học, khu vườn, siêu thị… tưởng chừng nhàm chán, tù túng, chật hẹp, ít có tiềm năng để khai thác. Những con người nhỏ bé có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu đó lại luôn từng giây từng phút đối mặt và giải quyết những nỗi băn khoăn, hoang mang, âu lo của đời sống thường nhật vốn dĩ cứ quay miết đến nhạt nhẽo và mệt nhoài. Lũ trẻ đó, chí ít nếu không nghịch ngợm, tò mò, chín chắn trước tuổi (Kiyama, “Khu vườn mùa hạ” & Tatsu “Organ mùa xuân”) thì cũng chịu những nỗi đau vì mất mát, cơn khốn khó chật vật của cơm áo gạo tiền, cô đơn vì thiếu vắng yêu thương (Chiaki, “Mùa thu của cây dương).

Còn Tomomi trong “Organ mùa xuân”, có khá nhiều điều để nói về cô bé. Thời gian của câu chuyện được thuật lại là khi Tomomi chuẩn bị lên cấp hai, những dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì cũng đã xuất hiện – đây là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi kép của trưởng thành. Cùng với tác động từ môi trường xung quanh – ở đây là gia đình: bố mẹ hay cãi vã, li thân, chìm đắm trong vấn đề của bản thân mà không biết cách đối xử với những đứa trẻ, bà nội vừa qua đời, ông nội tuy hơi kì quặc nhưng rất yêu thương và tâm lý với các cháu, cậu em Tetsu ham đọc sách, luôn có những ý tưởng kì lạ và luôn bướng bỉnh làm theo ý mình  nhưng có trái tim nhân hậu, Tomomi trải qua giai đoạn chuyển giao này một cách khó khăn. Cô bé cảm thấy có lỗi trước cái chết của bà, sợ hãi trước kẻ quấy rối, cô đơn và khao khát được yêu thương, được chú ý từ bố mẹ, mệt mỏi chán nản trước tình cảm rạn nứt, bất đồng quan điểm của bố mẹ. Tomomi chông chênh giữa một bên là sự ngây ngô của một đứa trẻ chưa thể tự giải quyết những vấn đề của mình, một bên là lối suy nghĩ già dặn, cứng cáp của một đứa trẻ nhạy cảm đang dần lớn lên.

15336611

Những đứa trẻ như Tomomi ấy cứ bồng bềnh trong thế giới riêng của mình. Chúng cần một điểm tựa, chúng cần một ai đó chỉ cho chúng cách bước ra và tìm đến một thế giới của những gam màu nhẹ nhàng và thanh âm trong trẻo. Người đó có thể chính là những người bạn nhỏ, cậu em nhỏ cùng nhau khám phá chẳng đâu xa mà ngay chính trong thành phố nhỏ của mình – căn nhà “hoang”, khu vườn, bãi rác thải, … Nhưng thường thì Kazumi Yumoto gửi gắm niềm tin của mình vào những người già:  ông lão không tên bí ẩn, bà cụ chủ nhà khó tính, bác Norie có vẻ ngoài đáng sợ, ông nội gàn dở luôn bám lấy những kỉ niệm xưa cũ. Những cụ già trong truyện của Kazumi Yumoto thoạt nhìn đều khó ưa, kì quặc nhưng trong trái tim tưởng chừng đã khô héo đó lại là tình yêu thương ấm áp, sự bao dung, và cả một thế giới đầy ắp những điều kì diệu.

41KRB7QGECL._SX332_BO1,204,203,200_

Bao giờ cũng vậy, mối liên hệ hình thành giữa lũ trẻ và những người già trong truyện của Kazumi Yumoto được xây dựng và vun vén để phát triển đều về hai hướng: lũ trẻ được yêu thương và dạy dỗ, được cầm tay dẫn đến một thế giới mới, và thế rồi chúng trưởng thành, các cụ già không còn lủi thủi cô đơn, sẻ chia vốn kiến thức rộng lớn và hơn hết là được san sẻ những kỉ niệm tưởng chừng như sẽ sớm bị chôn vùi của mình. Họ – lũ trẻ và những người già – bước ra từ thế giới nhỏ của mình để dựa vào nhau, cùng nhau tạo nên một thế giới mới tươi sáng, trong lành, ấm áp, thân thương (không gian vật lý trong nhiều tác phẩm văn học Nhật thường hẹp, nhưng dư vị cảm xúc đọng lại có thể mở rộng các chiều không gian trong tâm tưởng). Bởi chỉ có lũ trẻ mới làm dịu được trái tim già cỗi của các cụ, và cũng chỉ có những người già dày dạn trải nghiệm mới đủ bao dung, kiên nhẫn để cảm hóa và dạy chúng bài học về cuộc sống.

Tomomi không còn mơ thấy ác mộng nữa, cô bé cũng không còn sợ đi học, không còn canh cánh về cái chết của bà, không còn trách cứ bố mẹ, và hơn hết tự khi trong bản thân mình có thể lắng lại, nhận ra mọi người xung quanh đáng yêu hơn, thân thuộc hơn thì dường như tất cả đều tốt đẹp hơn. Đó cũng là khi chúng ta chấp nhận và học cách trưởng thành.

(24/4/2016 – by Tiểu Phong)

Đọc thêm:

[review] Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

Leave a comment