[Review] Berlin syndrome (2017)

“Berlin syndrome” (Hội chứng Berlin) (tựa đề tiếng Việt “Mất tích ở Berlin) là một trong chín bộ phim nằm được trình chiếu cho khán giả Việt Nam tại Liên hoan phim Đức lần 8. Tuy không được giải thưởng nào nhưng bộ phim nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Các bài review về phim không thiếu, chủ yếu bình luận về tình yêu lãng mạn, rùng rợn, nhục cảm, bệnh hoạn, bạo lực, chiếm hữu, xen lẫn các yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, ở bài review của mình, mình sẽ khai thác về khía cạnh tâm lý để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn (Nói thật là phim với mình khá ổn, nhưng khi xem phim thì tâm trạng của mình rất xấu do tác động từ ngoại cảnh đó là các bạn khán giả khác. Mình không có ý chỉ trích vì gout phim khác nhau, khả năng cảm nhận phim khác nhau, cách thể hiện cảm xúc cũng khác nhau nhưng các bạn xem phim hơi ồn ào và vô duyên, nhất là với các cảnh nóng hay kịch tính, man rợ)

“Du lịch đến Berlin một mình. nhiếp ảnh gia xinh đẹp Clare gặp ngay một anh chàng giáo viên hào hoa và lập tức bị thu hút bởi anh ta. Sau vài buổi đi chơi, Clare theo chàng trai về nhà để rồi sau một đêm ân ái, sáng hôm sau tỉnh dậy nhận ra mình bị nhốt trong một căn hộ biệt lập mà không thể thoát ra.

Càng tìm cách trốn, Clare càng kẹt cứng trong nỗi sợ hãi lẫn tuyệt vọng, trong khi anh bạn trai dần lộ nguyên hình là một kẻ biến thái mà cô không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.”

(Theo mothegioi.vn) (Mình ngại tóm tắt lại :p)

Tên tiếng Việt của bộ phim là sự mô tả lại tình tiết nổi, dẫn đến toàn bộ nội dung, tuy nhiên mình lại ưng với cái tên gốc “hội chứng” hơn vì phim khai thác sâu vào diễn biến tâm lý của hai nhân vật chính Clare và Andi. Cái tên này còn gợi đến hội chứng Stockholm – con tin bị bắt cóc chuyển từ trạng thái sợ hãi, căm ghét sang đồng cảm, thương yêu kẻ đã bắt cóc mình. Quay lại về các tình tiết trong phim, khi phát hiện ra mình bị Andi nhốt lại và có những biểu hiện bệnh hoạn, xuất phát từ diễn biến tâm lý bình thường của nạn nhân bị bắt cóc, Clare cũng ghê sợ, ác cảm, căm thù Andi. Tuy nhiên, đến gần cuối phim xuất hiện một sự kiện mang tính đảo chiều: bố của Andi qua đời. Nhiều ngày Andi không về nhà, để Clare lại một mình, khi trở về, Andi gục ngã trong vòng tay của Clare, còn Clare chào đón Andi với câu “Em tưởng anh sẽ không bao giờ quay về nữa”. Khoảnh khắc đó, giữa kẻ bị bắt cóc và kẻ bắt cóc, giữa hai kẻ yêu và hận nhau đã có giây phút chữa lành và bao bọc, nương tựa vào nhau để tồn tại.

Phần lớn các bình luận đều tập trung vào Clare và có những quan điểm đồng thuận về tâm lý nhân vật nữ chính; trái lại, nhân vật Andi chủ yếu được miêu tả là kẻ bệnh hoạn, điên rồ, chiếm hữu mà không tìm hiểu động cơ, nguyên nhân, cơ sở dẫn đến tâm lý của nhân vật đáng sợ, đáng căm ghét và đáng thương này. Mình không học về Tâm lý nhưng khá hứng thú với lĩnh vực này, trên khía cạnh tâm lý, việc lùng tìm nguyên do dẫn đến một hành động trong hiện tại, tìm hiểu động cơ trong vô thức điều khiển ý chí của con người chính là ngành Phân tâm học.

Tuy không được thể hiện quá rõ nhưng rải rác xuyên suốt bộ phim là các đầu mối mỏng manh. Trong cuộc đối thoại với bố, hoàn cảnh gia đình của Andi có thể được tiết lộ, đặc biệt là nhân vật người mẹ đã bỏ đi, Andi tỏ ra lạnh lùng, chán ghét và không muốn nói chuyện với bà. Đó chính là lý do vì sao Andi chỉ chọn các nạn nhân là khách du lịch – những người không lưu lại nơi chốn đi qua, việc Andi nhốt họ lại phản ánh nỗi sợ hãi, lo lắng, bất an về việc sẽ bị người yêu thương bỏ đi như người mẹ của mình.

Gấn cuối phim, chi tiết về album ảnh gia đình của Andi vẫn khiến mình băn khoăn vì cảnh quay khá nhanh, nhìn không rõ. Trong album là ảnh ký ức Giáng sinh chụp với bố khi Andi còn nhỏ, cuối cùng là các bức ảnh về một người phụ nữ bị hành hạ giống như cách mà Andi đối xử với Clare. Vì vậy, mình suy đoán, có thể đó là mẹ của Andi và đó chính là lý do vì sao bà ra đi, hành động của Andi là hành động sao chép, học tập lại từ người bố mang tính ám ảnh từ trong vô thức.

Lan man quay về tên phim một tẹo, tên phim và cuộc đối thoại giữa hai bố con Andi về lịch sử – chính trị, đại loại là “Đông Đức có công lý ư?” khiến mình nhớ tới sự kiện Bức tường Berlin chia cắt nước Đức thành Đông Đức và Tây Đức, người dân Đông Đức tìm cách bỏ trốn sang Tây Đức. Nhân vật Clare cũng đã nói rằng cô quan tâm tới văn hóa, nghệ thuật … các khía cạnh về Đông Đức (thuộc vùng chiếm đóng của Liên Bang Xô Viết trong lực lượng quân Đồng Minh sau Thế chiến II). Có thể thấy, Andi là một người rất mâu thuẫn, anh ta phản đối lý tưởng về Đông Đức nhưng hành động lại rất Đông Đức (chiếm hữu, xiết chặt) và bị hấp dẫn bởi một người quan tâm về Đông Đức như Clare.

Nói thêm về tính mâu thuẫn và mối quan hệ mẹ-con của Andi đang phân tích dở ở trên, chắc chắn Andi rất yêu mẹ. Cái cách Andi chăm sóc người yêu tỉ mẩn từ việc tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, mua đồ lót, đồ chơi, đưa chú chó của người bố đã mất về để bầu bạn với Clare hẳn là học tập từ bố (điều này chỉ là mình linh cảm vì bố của Andi có vẻ ngoài là người hiền lành, chu đáo, biết lắng nghe), hoặc đó là những điều Andi khao khát được mẹ làm cho mình. Andi cũng rất yêu Clare. Andi bị tổn thương khi Clare thú nhận khi cô nói “Giá như có thể ở lại đây mãi mãi” chỉ là lời nói lúc nông nổi (với người bình thường thì sau dần có thể tha thứ, chấp nhận buông bỏ nhưng với Andi thì anh ta coi là thật và ghim giữ trong lòng). Andi nhốt Clare lại, nhưng hãy để ý tới việc anh ta không hề giấu đi những thứ có thể được dùng làm vũ khí (dao, kéo, tuốc-nơ-vít, lửa …), có thể thấy Andi không hề đề phòng Clare, thứ anh ta muốn là không khí đầm ấm, đủ đầy của gia đình nhưng lại biểu hiện qua hành động chiếm giữ. Một chi tiết nữa cũng có thể thấy thói ghen tuông xuất phát từ cảm giác sợ mất đi người yêu thương của mình là khi Andi mang chú chó của người bố đã mất cho Clare đề bầu bạn, mục đích ban đầu là vậy nhưng một ngày Andi dẫn chó đi dạo và chú chó không bao giờ quay về nữa. Andi đã giết chú chó, vì thấy Clare thân mật, yêu thương chú chó, mà anh ta không đời nào chấp nhận việc san sẻ.

Tình tiết Andi đưa Clare ra ngoài và có ý giết cô không đơn thuần là biểu hiện của một tên tội phạm tàn ác. Khi Andi hỏi Clare chấm điểm về tình yêu của họ không phải là câu hỏi vu vơ, anh ta cũng không kì vọng câu trả lời là 10/10, anh ta ư hoang mang xáo trộng, vừa yêu vừa thấy có lỗi vừa không thể ngăn lại sự xui khiến của vô thức. Giết Clare là vì không chấp nhận được việc Clare thay đổi (bị giam cầm nên Clare cũng có những biểu hiện của dồn nén, ức chế, hành động khác với Clare ban đầu mà Andi phải lòng), vừa muốn Clare mãi mãi thuộc về mình.

Cái chết của Andi ở cuối phim là một tất yếu. Đó không phải là hành động đền tội hay tự sát vì sợ hãi cảnh sát sẽ đến. Một người bị rối loạn tâm thần không có ý thức như vậy. Andi chọn cái chết vì tất cả những người thương yêu đều đã không còn nữa: mẹ, bố và Clare, một người khao khái  mái ấm gia đình như anh ta không thể ở một mình.

Cũng như những bình luận khác, mình tin Clare cũng yêu Andi, từ lúc bắt đầu cho đến suốt quãng thời gian bị giam cầm. Nhưng một khi tình yêu có mùi chiếm hữu độc tài, lòng yêu bản thân và khát vọng sống – khát vọng tự do mãnh liệt của con người luôn lớn hơn và tìm cách đào thoát khỏi thứ tình yêu méo mó kia. Và kết thúc khi Clare thoát được ra nhờ sự giúp đỡ của Franka (học trò của Andi), cô gọi cảnh sát đến, mình nghĩ một phần vì đó là việc một kẻ tâm thần và giết người như Andi tất nhiên phải chịu trách nhiệm trước công lý, một phần vì Clare không muốn Andi phải chết rục một mình trong chính căn phòng đó. Đó cũng là hành động yêu thương cuối cùng của Clare dành cho Andi, chứ không trừng phạt bằng bạo lực bột phát.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim nên mình tin mỗi phim đều hay, chỉ có điều mình không đi xem hết được. Mình sẽ cố gắng viết review phim mình đã chọn rất cẩn thận, gọi là hợp gout để xem. Review không nhất thiết phải nhanh trước mọi người, quan trọng là sự khác biệt 🙂

 

Leave a comment