[truyện dịch] Cuộc hành hương – Paulo Coelho (phần 9)

Hôn nhân

Logrono là một trong những thành phố rộng lớn mà những người hành hương đi qua tuyến đường Jacobean. Chúng tôi từng đến một thành phố khác là Pamplona nhưng chúng tôi không qua đêm ở đó. Tuy vậy, buổi chiều chúng tôi đến Logrono, cả thành phố đang tất bật chuẩn bị cho một lễ hội quy mô lớn. Petrus rủ tôi ở lại đó, ít ra cũng một đêm.

Vốn quen với sự yên tĩnh và tự do tự tại của thôn quê nên ý kiến đó không hấp dẫn với tôi lắm. Từ vụ với con chó đã năm ngày. Từ đó, mỗi đêm tôi đều triệu hồi Astrain và thực hiện bài tập Nước. Tôi cảm thấy mình tĩnh lại và nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của Con đường tới Santiago trong cuộc đời mình và câu hỏi mình sẽ làm gì sau khi cuộc hành hương này kết thúc. Chúng tôi đi qua một vùng đất giống như sa mạc, đồ ăn chả ngon lành gì cho cam, những ngày dài lê thê trên Con đường quá đỗi kiệt sức, nhưng tôi đang được sống với ước mơ của mình.

Tất cả những cảm xúc đó đều biến mất khi chúng tôi đến Logrono. Thay vì bầu không khí ấm áp và trong lành của những cánh đồng, đó là một thành phố tấp nập xe, các phóng viên và phương tiện truyền thông. Petrus bước vào quán bar đầu tiên chúng tôi nhìn thấy, hỏi thăm ở đây đang diễn ra sự kiện gì.

“Anh không biết sao? Hôm nay là đám cưới của ái nữ ngài Colonel,” tay bartender nói. “Chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc khổng lồ cho tất cả cư dân ở đây tại quảng trường. Hôm nay quán sẽ đóng cửa.”

Không tìm được phòng khách sạn nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng tìm được chỗ trọ ở nhà của một cặp vợ chồng đứng tuổi nhận ra những vỏ sò trên ba-lô của Petrus. Tắm xong, tôi chỉ vận độc chiếc quần vừa mới mua rồi chúng tôi tới quảng trường.

Hàng tá công nhân mồ hôi túa ra trong những bộ vest đen đang hoàn thành nốt những công việc cuối cùng trên bàn được đặt quanh khắp quảng trường. Truyền thông quốc gia đang quay phim công tác chuẩn bị. Chúng tôi đi xuống một con phố hẹp dẫn tới nhà thờ của giáo khu Santiago Hoàng Gia, lễ kỉ niệm sắp sửa diễn ra ở đó.

Đám đông đi tới nhà thờ ăn vận xúng xính. Lớp trang điểm của những người phụ nữ trôi ra dưới cái nóng, lũ trẻ mặc đồ trắng thì cáu kỉnh. Mấy tràng pháo hoa bùng nổ khi một chiếc limousine dài màu đen dừng tại cổng chính.  Chú rể đang bước vào. Không có chỗ cho tôi và Petrus nên chúng tôi quyết định quay trở lại quảng trường.

Petrus muốn đi xem xét quanh đó nhưng tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế dài, đợi lễ kỉ niệm kết thúc và bữa tiệc bắt đầu. Gần đó, một người bán bỏng ngô trông chờ một ngày buôn bán đắt khách đang đợi đám đông từ nhà thờ.

“Các anh là khách mời à?” ông ta hỏi tôi.

“Không,” tôi đáp. “Chúng tôi là những người hành hương trên đường tới Compostela.”

“Có tàu đi thắng từ Madrid. Nếu các anh đi vào thứ Sáu, các anh sẽ được ở khách sạn miễn phí.”

“Vâng, nhưng chúng tôi đang trên hành trình cuộc hành hương của mình.”

Người bán bỏng ngô nhìn tôi, cung kính nói, “Những người đi hành hương chính là các vị thánh.”

Tôi quyết định không đi sâu vào cuộc thảo luận đó. Ông ta kể con gái ông ta vừa mới cưới nhưng giờ đã ly hôn với chồng.

“Thời Franco, gia đình được trân trọng hơn,” ông ta nói. “Ngày nay, chẳng ai quan tâm đến gia đình nữa.”

Dù đang ở một đất nước xa lạ nơi mà người ta khuyên không nên bàn về chính trị, tôi không thể không đáp lại được. Tôi nói Franco là một nhà độc tài và chẳng có thứ gì thời đó tốt hơn bây giờ cả.

Người bán bỏng ngô xấu hổ.

“Anh nghĩ anh đang nói về ai mà lại nói như vậy?”

“Tôi biết lịch sử đất nước này. Tôi biết về cuộc chiến mà người dân đã phải chiến đấu để giành lại tự do. Tôi đã đọc về  những tội ác mà quân đội Franco thực hiện trong nội chiến Tây Ban Nha.”

“Tôi đã từng chiến đấu trong cuộc chiến đó. Tôi ở đó khi máu của gia đình tôi đổ. Dù anh đọc chuyện gì đi nữa, tôi cũng không quan tâm. Điều tôi quan tâm là những gì xảy đến với gia đình tôi. Tôi chống lại Franco nhưng khi ông ta chiến thắng, cuộc đời tôi tốt đẹp hơn. Tôi không còn là một kẻ ăn mày nữa, tôi có quầy bỏng ngô nhỏ của mình. Chính quyền xã hội chủ nghĩa chẳng hề giúp tôi được gì. Giờ tôi còn khốn khổ hơn trước.”

Tôi nhớ Petrus đã từng kể về những người hài lòng với những điều nhỏ bé. Tôi quyết định không áp đặt quan điểm của mình nữa rồi chuyển chỗ.

Khi Petrus quay trở lại, tôi kể cho anh ta về cuộc đối thoại với người bán bỏng ngô.

“Đối thoại chỉ có tác dụng,” Petrus nói, “Khi người ta muốn thuyết phục bản thân mình rằng điều họ nói là đúng đắn. Tôi là thành viên của Đảng Cộng sản Italy. Nhưng tôi không biết về khía cạnh phát xít này của anh.”

“Khía cạnh phát xít? Ý anh là gì?” tôi tức giận chất vấn.

“Anh giúp người bán bỏng ngô tự thuyết phục bản thân rằng Franco là người tốt. Có lẽ ông ta đã chẳng bao giờ biết tại sao. Giờ thì ông ta biết rồi đấy.”

“Tôi chỉ ngạc nhiên khi biết Đảng Cộng Sản Italy tin vào phước lành của Chúa.”

“Tôi phải cẩn trọng với suy nghĩ của những người hàng xóm thôi,” Petrus phá lên cười.

Những tràng pháo hoa lại rộ lên khi các nhạc công bước lên sân khấu và chơi nhạc. Lễ hội sắp bắt đầu.

Tôi nhìn lên trời. Trời đang dần tối, những vì sao bắt đầu xuất hiện. Petrus tới chỗ một người phục vụ và cầm về hai cốc plastic màu đen đựng rượu.

“Thật may vì được uống rượu trước khi bữa tiệc bắt đầu,” Petrus đưa cho tôi một cốc. “Uống một chút đi. Nó sẽ giúp anh quên đi chuyện về người bán bỏng ngô.”

“Tôi có nghĩ về ông ta nữa đâu.”

“Anh nên làm vậy đấy. Vì ông ta chính là ví dụ cho việc hiểu sai. Chúng ta luôn cố khiến người khác tin vào niềm tin theo cách lý giải của chúng ta về vũ trụ. Chúng ta tin rằng càng nhiều người, càng có nhiều người có niềm tin giống như chúng ta, càng chắc chắn rằng những điều chúng ta tin là chân lý. Nhưng điều đó không hề có tác dụng.

Hãy nhìn xem. Sắp có một bữa tiệc lớn sắp diễn ra ở đây. Một buổi lễ kỷ niệm. Nhiều điều xảy ra đồng thời: hi vọng của người cha rằng con gái sẽ lấy chồng, người con gái cũng mong ước như vậy, những ước mong của chú rể. Điều đó tốt thôi, bởi họ tin vào ước mong của mình và muốn minh chứng cho mọi người rằng họ đã đạt được mục tiêu của mình. Đó không phải bữa tiệc được tổ chức để thuyết phục mọi người về điều gì cả, nên sẽ có rất nhiều niềm vui. Từ những gì tôi quan sát được, họ chính là những người chiến đấu cho cuộc chiến chính nghĩa vì tình yêu.”

“Nhưng Petrus, anh đang cố thuyết phục tôi bằng cách hướng dẫn cho tôi trên Con đường tới Santiago.”

Petrus lạnh lùng nhìn tôi.

“Tôi chỉ đang dạy anh các bài tập của RAM. Nhưng chỉ khi anh nhận ra rằng Con đường và chân lý và cuộc sống nằm trong tim mình, anh mới tìm thấy thanh kiếm.”

Petrus chỉ lên bầu trời với những vì tinh tú đang tỏa sáng.

“Chẳng có tôn giáo nào có thể gom tất cả những vì sao lại, bởi nếu điều này xảy ra, vũ trụ sẽ trở thành một nơi khổng lồ, trống trải và mất đi lý do để tồn tại. Mọi vì sao – và cả mọi người – có thế giới riêng và cá tính riêng của mình. Có những ngôi sao màu xanh lục, màu vàng, màu xanh dương, màu trắng, có sao chổi, sao băng, thiên thạch, tinh vân và vành đai vệ tinh. Nhìn từ đây trông chúng như các cá thể giống hệt nhau nhưng thực ra là hàng triệu cá thể khác biệt, rải rác khắp không gian, vượt xa khỏi tầm hiểu biết của con người.

Một chiếc tên lửa từ những tràng pháo hoa bùng cháy, ánh sáng từ tên lửa làm bầu trời mờ tối đi một lúc.  Một trận mưa ánh sáng xanh rực rỡ rơi xuống mặt đất.

“Trước đây chúng ta chỉ có thấy nghe thấy âm thanh náo nhiệt nhờ có ánh sáng ban ngày. Bây giờ, chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng,” Petrus nói. “Đó là thay đổi duy nhất mà con người có thể khao khát.”

Cô dâu bước ra khỏi nhà thờ, mọi người hô vang và ném những vốc gạo. Cô dâu là một cô gái mỏng manh chừng mười sáu tuổi. Cô gái cầm tay một cậu bé trong trang phục tuxedo. Đám đông xuất hiện và bắt đầu tiến về quảng trường.

“Nhìn kìa, có ngài đại tá đấy … Nhìn váy cô dâu kìa. Chao ôi đẹp làm sao,” mấy cậu bé đứng gần chúng tôi nói. Các khách mời yên vị chỗ ngồi, phục vụ mời rượu, ban nhạc bắt đầu chơi nhạc. Một đám mấy cậu bé đang la hét vây quanh người bán bỏng ngô mua đồ rồi vứt rải rác những chiếc túi rỗng lên mặt đất. Tôi mường tượng rằng với người dân Logrono, chí ít là đêm hôm đó, phần còn lại của thế giới – sống trong nỗi sợ hãi của chiến tranh hạt nhân, thất nghiệp và giết chóc – không hề tồn tại. Đó là một đêm hội, bàn được sắp xếp ở quảng trường cho mọi người, ai ai cũng cảm thấy mình thật đặc biệt.

Một đoàn phóng viên tiến đến chỗ chúng tôi, Petrus ngoảnh mặt đi. Nhưng họ bỏ qua chúng tôi, tiến tới một trong những vị khách ngồi gần chúng tôi. Tôi nhận ra ông ấy ngay lập tức: Antonio, người đứng đầu đoàn cổ động viên Tây Ban Nha tại kì World Cup 1986 ở Mexico. Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, tôi tới chỗ Antonio và nói rằng tôi là người Brazil. Antonio giả vờ giận dữ, phàn nàn về bàn thắng Tây Ban Nha bị đoạt mất ở vòng mở màn kì World Cup đó. *

(Trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Brazil ở kì World Cup tại Mexico, trọng tài không công nhận bàn thắng của Tây Ban Nha vì không nhìn thấy bóng băng qua đường gôn trước khi bật ra ngoài. Chung trận, Brazil thắng 1-0)

Nhưng rồi ông ấy trao tôi một cái ôm và nói rằng Brazil sẽ lại sớm sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

“Làm thế nào ông xem được trận đấu khi mà ông phải quay lưng lại với sân bóng và khơi gợi các cổ động viên,” tôi hỏi. Đó là điều tôi luôn chú ý trong những buổi tường thuật các trận đấu ở World Cup.

“Điều đó khiến tôi hài lòng. Chính là giúp các cổ động viên tin tưởng vào chiến thắng.”

Và rồi cứ như thể ông ấy cũng là hướng đạo viên trên Con đường tới Santiago, Antonio nói, “Những cổ động viên thiếu niềm tin có thể khiến một đội bóng thua cuộc dù đội đó đang chiến thắng.”

Thế rồi Manolo lại bị những người khác giữ lại muốn phỏng vấn nhưng tôi đứng đó suy ngẫm về những điều ông ấy vừa nói. Dù chưa một lần đi Con đường tới Santiago, ông ấy vẫn biết chiến đấu vì cuộc chiến chính nghĩa là gì.

Tôi tìm thây Petrus đang trốn sau mấy cái cây, khó chịu ra mặt vì máy quay. Chỉ sau khi đèn camera tắt, Petrus mới xuất hiện và thư giãn một chút. Chúng tôi gọi thêm hai cốc rượu nữa, tôi gọi thêm một đĩa canapés cho mình. Petrus tìm thấy bàn chúng tôi có thể ngồi cùng vài vị khách.

Cặp vợ chồng son cắt chiếc bánh cưới khổng lồ. Mọi người chúc mừng.

“Hẳn họ rất yêu nhau,” tôi nói.

“Dĩ nhiên,” một người vận Âu phục đen cùng bàn chúng tôi nói. “Anh đã nghe ai kết hôn vì lý do nào khác chưa?”

Tôi giữ câu trả lời lại cho riêng mình, nhớ lại những lời Petrus vừa nói về người bán bỏng ngô. Nhưng Petrus không chịu cho qua.

“Ý ông là dạng thức nào của tình yêu thương: tình yêu dục tính, tình bằng hữu hay lòng nhân ái?”

Người bán bỏng ngô ngây người nhìn Petrus. Petrus đứng dậy, rót rượu vào cốc rồi bảo tôi đi cùng anh ta.

“Trong tiếng Hy Lạp có ba từ để chỉ tình yêu,” Petrus nói. “Hôm nay anh được thể nghiệm dạng thức của tình yêu sắc giới – thứ cảm xúc tình yêu giữa hai cá thể.”

Cô dâu chú rể đang mỉm cười với các nhiếp ảnh gia và nhận lời chúc phúc.

“Dường như họ thực sự yêu nhau,” Petrus nhìn cặp đôi và nói. “Và họ tin tưởng rằng tình yêu của họ sẽ phát triển. Nhưng sớm thôi, họ sẽ chỉ còn lại một mình, vật lộn để kiếm sống, xây nhà và sẻ chia cùng nhau trong mỗi chuyến đi. Chính điều này khiến tình yêu trở nên cao cả và giá trị. Anh chồng sẽ nhập ngũ. Người vợ có lẽ là một đầu bếp cừ khôi và sẽ trở thành một bà nội trợ tuyệt vời bởi cô ấy được nuôi dạy từ khi còn nhỏ để thực hiện vai trò đó. Cô ấy sẽ trở thành hậu phương vững chắc chồng mình, họ sẽ có con và họ sẽ cảm nhận được rằng họ đang chung tay gây dựng điều gì đó. Họ sẽ đấu tranh vì những điều đúng đắn. Thế nên dù khó khăn đi chăng nữa, họ cũng sẽ chẳng bao giờ thực sự bất hạnh.

Tuy nhiên, câu chuyện tôi đang kể cho anh có thể đi theo chiều hướng khác. Người chồng có thể bắt đầu cảm thấy anh ta không có đủ tự do để biểu thị tất cả tình yêu dành cho những người phụ nữ khác. Người vợ có thể bắt đầu cảm thấy cô ấy đã từ bỏ một công việc tốt để trợ giúp chồng mình. Thay vì cùng nhau tạo ra điều gì đó, mỗi người bắt đầu cảm thấy như bị tước đoạt cách bộc lộ tình yêu. Tình yêu – thứ kết nối họ sẽ bắt đầu chỉ thể hiện khía cạnh tiêu cực. Và thứ cảm tính hợm hĩnh nhất mà Chúa đã ban cho con người sẽ trở thành nỗi hận thù và sự sụp đổ.”

Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Tình yêu dục tính được biểu thị trong vô vàn mối quan hệ. Bài tập Nước đã thức tỉnh ngôn ngữ trái tim tôi, tôi nhìn nhận mọi người bằng cách khác. Có thể đó là những ngày tháng cô độc trên con đường hay đó là các bài tập của RAM nhưng tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của tình yêu đích thực và tình yêu sai trái, như Petrus đã mô tả.

“Lạ thật,” Petrus cũng cảm nhận như tôi. “Dù tốt hay xấu, biểu dạng của tình yêu không bao giờ giống nhau đối với bất cứ cặp đôi nào. Giống như những vì sao tôi đã nói nửa tiếng trước. Không ai có thể thoát khỏi lưới tình. Ai cũng cần đến sự hiện diện của tình yêu, dù có một sự thật rằng nhiều khi tình yêu khiến chúng ta tách biệt khỏi thế giới và bị giam cầm trong chính sự cô độc của chúng ta.”

Ban nhạc bắt đầu chơi một điệu waltz. Các khách mời đi tới khu vực làm bằng xi-măng nhỏ trước sân khấu của ban nhạc và bắt đầu nhảy. Trong cơn chếnh choáng, ai nấy đều toát mồ hôi và cười nhiều hơn. Tôi để ý thấy một cô gái vận đồ màu xanh trông có vẻ như đã đợi lễ cưới này chỉ để có cơ hội nhảy điệu waltz – cô ta đã mong mỏi được nhảu cùng ai đó có thể ôm trọn cô như trong giấc mơ thuở thanh xuân. Cô ta đang dõi theo một chàng trai ăn vận chỉnh tề trong bộ Âu phục trắng, đứng cùng đám bạn. Họ đều đang mải nói chuyện mà không để ý điệu waltz đã bắt đầu. Họ cũng không nhìn thấy cô gái đang đứng cánh họ chỉ vài yard, vận đầm xanh tha thiết nhìn về một người trong số họ.

Tôi nghĩ về những thị trấn nhỏ và hôn lễ với chàng trai mà người nào đó hằng mơ ước từ thuở niên thiếu.

Cô gái váy xanh nhận ra tôi đang nhìn cô ta nên cố giấu mình vào đám bạn. Khi đó, chàng trai đưa mắt tìm cô gái. Nhận ra cô gái đang ở cùng đám bạn, chàng trai quay trở lại câu chuyện với đám bạn mình.

Tôi chỉ hai người họ cho Petrus. Petrus theo dõi trò lia liếc của họ một lúc rồi tiếp tục uống rượu.

“Hai người họ hành xử cứ như là thể hiện tình ý thì xấu hổ lắm ấy,” Petrus nói.

Một cô gái gần chúng tôi đang nhìn chằm chằm tôi và Petrus. Cô gái chắc chỉ bằng một nửa số tuổi chúng tôi. Petrus nâng cốc và đưa hướng về phía cô gái. Cô gái phá lên cười ngượng ngùng và chỉ về phía bố mẹ cô, như thể muốn giải thích tại sao cô không nên tới gần hơn.

“Đó là mặt tích cực của tình yêu,” Petrus nói. “Tình yêu khiến họ dũng cảm hơn, thứ tình yêu giữa hai người xa lạ đến từ những nơi chẳng ai hay rồi mai này sẽ chia ly, về thế giới mà cô gái cũng mong muốn được đến.

Nghe giọng Petrus thì anh ta đang say rồi.

“Hôm nay chúng ta sẽ nói về tình yêu!” Petrus lớn giọng. “Hãy nói về tình yêu đích thực, nảy sinh khiến thế giới quay cuồng và loài người trở nên thông thái!”

Một người phụ nữ ăn mặc đỏm dáng gần chúng tôi có vẻ không quan tâm tới bữa tiệc. Cô ta đi hết bàn này đến bàn khác, sắp xếp lại cốc chén, đồ sứ và đồ bạc.

“Anh đang nhìn người phụ nữ đằng kia à?” Petrus hỏi. “Cái cô đang sắp xếp đồ đấy hả? Ồ, như tôi nói đấy, tình yêu dục tính có nhiều khía cạnh và đó là một trong những khía cạnh của tình yêu dục tính. Đó là thứ tình yêu mục ruỗng với dạng bất hạnh riêng của nó. Cô ta chuẩn bị hôn cô dâu chú rể nhưng trong thâm tâm, cô ta tự nhủ rằng họ đã bị trói buộc với nhau. Cô ta đang cố dọn dẹp thế giới bởi bản thân cô ta đang hỗn loạn. Rồi Petrus chỉ về phía cặp đôi – người vợ với lớp trang điểm dày cộp, không một chút biểu cảm. Cô ta chấp thuận với vai trò của mình, chẳng hề có kết nối nào với thế giới hay cuộc đấu tranh đúng đắn.

“Petrus, anh đang gay gắt quá. Chẳng lẽ không có ai ở đây có thể vớt vát được sao?”

“Có chứ. Cô gái đã theo dõi chúng ta, những người trẻ đang nhảy múa kia – họ chỉ biết đến tình yêu dục tính chân chính. Nếu họ không để bản thân mình bị ảnh hưởng bởi tính đạo đức giả của tình yêu ngự trị hàng bao thế hệ qua, chắc chắn thế giới sẽ trở nên khác biệt.”

Petrus chỉ tay về cặp đôi có tuổi ngồi tại một trong những chiếc bàn.

“Cả họ nữa. Họ không để bản thân mình bị ảnh hưởng bởi tính đạo đức giả như những người khác. Nom họ giống những người lao động thuần túy. Họ học được các bài tập anh đang học mà không hề biết gì về RAM. Họ tìm thấy sức mạnh của tình yêu trong công việc của mình. Đó chính là điểm mà tình yêu dục tính thể hiện khía cạnh tốt đẹp nhất bởi nó hợp nhất với tình bằng hữu.”
“Tình bằng hữu là gì?”

“Tình bằng hữu là tình yêu dưới dạng thức của tình bạn. Là cảm xúc mà tôi cảm nhận với anh và những người khác. Khi ngọn lửa tình yêu ngừng cháy, tình bằng hữu giữ cho cặp đôi gắn bó với nhau.”

“Còn lòng nhân ái?”

“Hôm nay không phải lúc nói về lòng nhân ái. Lòng nhân ái tồn tại cả trong tình yêu dục tính và tình bằng hữu – nhưng đó chỉ là thàng ngữ thôi. Hãy tận hưởng bữa tiệc, đừng nói về tình yêu nữa. Tốn thời gian lắm.” Petrus rót thêm chút rược vào cốc của mình.

Hạnh phúc quanh ta có khả năng lây lan. Petrus dần say, mới đầu tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng tôi nhớ một chiều nọ Petrus có bảo rằng các bài tập của RAM chỉ có hiệu lực khi được thực hiện bởi người bình thường.

Đêm đó, Petrus dường như bao người khác: thân thiện, dễ kết bạn, vỗ nhẹ sau lưng mọi người và nói chuyện với bất cứ ai mà anh ta để ý. Một lúc sau, Petrus say đến nỗi tôi phải đưa anh ta về khách sạn.

Trên đường về, tôi ngẫm lại tình cảnh của mình. Tôi đang ở đây, chỉ dẫn cho người hướng đạo của mình. Tôi nhận ra rằng chưa lần nào trong suốt chuyến đi Petrus cố tỏ ra thông thái hơn, mộ đạo hơn hay tốt hơn bất cứ điều gì hơn tôi. Tất cả những gì Petrus làm là truyền cho tôi kinh nghiệm của mình về các bài tập của RAM. Hơn hết, Petrus hiểu rằng anh ta cũng như bất cứ ai – trải nghiệm tình yêu dục tính, tình bằng hữu và lòng nhân ái.

Nhận ra điều này, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn. Petrus cũng chỉ là một người hành hương khác trên Con đường tới Santiago.

Leave a comment