[truyện dịch] Cuộc hành hương – Paulo Coelho (phần 13)

CHINH PHỤC

Một buổi chiều nọ, chúng tôi tới nơi – đống tàn tích đổ nát của một tòa lâu đài cổ từ thời các hiệp sĩ Templar. Chúng tôi ngồi nghỉ, trong khi Petrus hút thuốc như thường lệ thì tôi nhấp một chút rượu còn sót lại từ buổi trưa. Tôi cẩn thận quan sát khu vực xung quanh: một vài ngôi nhà của những người nông dân, tòa tháp của lâu đài, cánh đồng gợn sóng đã sẵn sàng để gieo hạt. Một cậu bé chăn cừu xuất hiện ở phía bên tay phải, dẫn đàn gia súc về chuồng, đi ngang qua các bức tường của tòa lâu đài. Bầu trời rực sắc đỏ, bụi tung mù lên bởi đàn gia súc khiến cho cảnh vật trở nên mờ nhòe như thể một giấc mộng hay một ảo ảnh ma thuật. Cậu bé chăn cừu vẫy tay với chúng tôi, chúng tôi cũng vẫy tay lại.

Đàn cừu đi ngang măt chúng tôi và tiếp tục đi xuống con đường. Petrus bước đi. Thật là một cảnh đẹp ngoạn mục. Tôi muốn ở lại đó nhưng Petrus nói, “Đi nào, ngay bây giờ. Chúng ta phải nhanh lên.”

“Tại sao?”

“Vì tôi bảo vậy. Anh nghĩ rằng là chúng ta đã đi đủ trên Con đường tớ Santiago rồi sao?”

Nhưng có điều gì đó mách bảo tôi rằng sự vội vã của Petrus là do cảnh tượng vi diệu của cậu bé chăn cừu và đàn cừu kia.

Hai hôm sau, chúng tôi đã tới gần mấy ngọn núi về phía Nam, địa hình của chúng bù đắp lại cái vẻ buồn tẻ của những cánh đồng lúa mỳ bao la. Khu vực này có vài ngọn núi tự nhiên, nhưng được chấm phá bởi những cột mốc màu vàng mà Cha Jordi đã từng kể. Đúng lúc đó, Petrus chẳng nói chẳng rằng bắt đầu đi lệch khỏi các cột mốc và lao về hướng Bắc. Khi tôi chỉ ra rằng Petrus đã đi sai đường, anh ta hằn học đáp anh ta là người hướng dẫn  và anh ta biết đang đưa tôi đi đâu.

Sau chừng nửa tiếng dọc theo tuyến đường mới, tôi bắt đầu nghe thấy âm thanh của nước đổ ào xuống. Bao quanh chúng tôi là những cánh đồng ngập nắng, tôi cố mường tượng đó là tiếng gì. Càng đi, âm thanh càng trở nên rõ hơn. Không nghi ngờ gì nữa, đó là tiếng thác nước. Nhưng tôi lại chẳng thấy núi hay thác nước nào gần đó.

Thế rồi chúng tôi trèo lên một cái gò nhỏ, ở đó chúng tôi bắt gặp một trong những tuyệt tác của thiên nhiên: một lòng chảo mở ra giữa bình nguyên, đủ sâu để chứa một tòa nhà năm tầng và một dòng suối chảy xiết. Cái miệng to ngoạc được bao quanh bởi các loài cây có vẻ ngoài nhìn hoàn toàn khác biệt với hệ thực vật mà chúng tôi đã đi qua cho đến bây giờ. Chúng bao lấy thác nước đang chảy.

“Trèo xuống ở đây nào,” Petrus nói.

Chúng tôi bắt đầu trẻo xuống, tôi nghĩ đến Jules Verne, cứ như thể chúng tôi đang đi xuống tâm Trái Đất. Đường thì dốc và khó định vị, vì vậy để khỏi bị ngã, chúng tôi bước phải bám lấy những cành cây tua tủa gai và những tảng đá sắc nhọn. Khi tới đáy lòng chảo, tay chân tôi bị cào rách ngang dọc.

“Đẹp chứ,” Petrus  nói mà không thèm để ý đến sự khó chịu của tôi.

Tôi đồng tính. Đó là một ốc đảo trong sa mạc. Thực vật và cầu vồng được tạo nên bởi những giọt nước li ti khiến cho lòng chảo khi nhìn từ dưới lên đẹp tuyệt vời.

“Đây chính là nơi thiên nhiên phô bày sức mạnh thật sự,” Petrus nói.

“Đúng vậy,” tôi gật đầu.

“Thiên nhiên còn cho chúng ta cơ hội để phô diễn sức mạnh của mìn. Hãy trèo lên thác nước nào,” Petrus nói. “Qua dòng nước!”

Tôi nhìn phong cảnh một lần nữa. Giờ thì tôi không còn thấy nó như một ốc đảo nữa, cũng không còn như một vẻ đẹp hiếm có phi thường của thiên nhiên. Tôi nhìn bức tường hơn 50 feet trên kia, nơi nước chảy với một lực điếng người. Một cái phá nhỏ được hình thành từ thác nước không sâu  quá chiều cao một người bình thường do dòng sông chảy về một đoạn cắt mà có lẽ ở đó nó chảy tiếp xuống lòng đất. Trên tường không có chỗ nhô ra nào để tôi có thể tận dụng trèo lên, cái vũng không đủ sâu để rơi ngã. Tôi đang nhìn vào một nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi.

Tôi nghĩ về một việc hồi năm năm trước, trong một nghi thức – giống như bây giờ – yêu cầu việc trèo khá nguy hiểm. Giáo chủ cho tôi một lựa chọn hoặc là tôi muốn tiếp tục hoặc là không. Hồi đó tôi trẻ hơn bây giờ và bị mê hoặc bởi sức mạnh của Giáo chủ và những phép màu của Hội tông truyền, thế nên tôi quyết định tiếp tục. Tôi cần phải tập trung dũng khí và lòng can đảm.

Leo được gần một giờ đồng hồ, khi tôi đang tiến gần đến dải khó nhằn nhất, một cơn gió từ đâu nổi lên khiến tôi ngã xuống. Tôi đã phải bám vào một cái rìa nhỏ để trụ bằng tất cả sức lực. Tôi nhắm mắt lại, đợi chờ điều xấu nhất xảy đến, cắm móng tay vào đá. Một phút sau, tôi ngạc nhiên nhận ra ai đó đã giúp tôi có được một vị trí an toàn và thoải mái hơn. Tôi mở mắt và nhận ra Giáo chủ ở đó, ngay kế bên tôi.

Giáo chủ làm một vài động tác trong không khí, gió đột nhiên ngừng. Bằng cái vẻ nhanh nhẹn một cái kì lạ, có lúc trông như đòi hỏi bài tập bay lên không trung, Giáo chủ leo xuống và bảo tôi làm tương tự.

Tới được chân núi, đôi chân tôi run rẩy, tôi nóng giận hỏi ngài vì sao ngài không làm dịu gió trước khi nó đe dọa tới tính mạng của tôi.

“Bởi chính ta là người đã ra lệnh cho gió thổi,” ngài đáp.

“Để giết tôi ư?”

“Không, để cứu ngươi. Đáng lý ngươi suýt đã không thể leo ngọn núi này. Khi ta hỏi ngươi liệu chăng ngươi có muốn leo lên ngọn núi, không phải là ta đang kiểm nghiệm lòng can đảm của ngươi mà là trí khôn của ngươi.

Ngươi coi đó là một mệnh lệnh trong khi ta không hề ra lệnh gì cả,” Giáo chủ nói. “Nếu ngươi có thể vượt lên trên bản thân mình, ngươi sẽ chẳng gặp bất cứ khó khăn nào. Nhưng ngươi muốn trở nên can đảm khi đã đủ thông thái.”

Hôm đó, ngài kể cho tôi về những đạo sĩ đã bị tẩu hỏa nhập ma trong quá trình khai trí, những người không thể phân biệt được sức mạnh của bản thân và cả các tông đồ. Trong suốt cuộc đời mình, tôi từng biết một vài nhân vật vĩ đại trong Hội tông truyền. Tôi từng biết ba vị giáo chủ – bao gồm cả Giáo chủ của tôi – những  người có thể điều khiển các vật thể từ khoảng cách xa vượt quá trí tưởng tượng của bất cứ ai. Tôi từng tận mắt chứng kiến các phép thuật, những tiên đoán tương lai chính xác và cả kiến thức của những hiện thân trong quá khứ. Thần chủ của tôi từng kể về Cuộc chiến Falklands hai tháng trước khi Argentina xâm chiếm quần đảo đó. Ngài miêu tả một cách chi tiết và giải thích nguyên do của mâu thuẫn dựa trên những vì sao.

Nhưng sau hôm đó, tôi bắt đầu nhận thấy rằng có những đạo sĩ, theo như lời Giáo chủ, đã bị “ tẩu hỏa nhập ma bởi quá trình khai trí”. Họ là những người có sức mạnh gần như ngang bằng, hoặc thậm chí là ngang ngửa với Giáo chủ của họ: tôi từng xem một trong số họ làm hạt nảy mầm trong hai mươi phút với độ tập trung rất đáng sợ. Nhưng người đó và những người khác đã dẫn dắt nhiều tông đồ tới cơn điên loạn và tuyệt vọng; một vài người trong đám tông đồ của họ được đưa vào các bệnh viện tâm thần, và ít nhất một trong số đó được xác nhận là đã tự tử. Những Giáo chủ đó bị liệt vào danh sách đen của Hội tông truyền nhưng không thể nào kiểm soát được họ, và tôi biết bây giờ nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục công việc.

Trong tik tok, tất cả những điều này thoáng qua trong tâm trí tôi khi tôi nhìn thác nước, trông có vẻ không thể leo được. Tôi nghĩ về khoảng thời gian mà tôi và Petrus đã đồng hành cùng nhau, về cuộc tấn công của con chó nhưng tôi không hề bị thương, về lần Petrus mất kiểm soát với thằng bé đợi chúng tôi tới ở nhà hàng, về lần Petrus say bí tỉ ở tiệc mừng đám cưới. Đó là tất cả những sự kiện tôi có thể nhớ ra.

“Petrus. Tôi sẽ không đời nào trèo lên thác nước đó. Chỉ vì một lý do đơn giản là không thể.”

Petrus không nói lòi nào. Anh ta ngồi lên bãi cỏ, tôi làm theo. Chúng tôi ngồi im trong mười lăm phút. Sự im lặng của Petrus khiến tôi nguôi ngoai, tôi bắt chuyện trước.

“Petrus. Tôi không muốn vì tôi sẽ ngã. Tôi biết là tôi sẽ không chết, vì khi tôi nhìn thấy diện mạo của cái chết, tôi cũng biết nó xảy đến khi nào. Nhưng tôi có thể ngã và bị què đến cuối đời.”

“Paulo à Paulo …” Petrus nhìn tôi và mỉm cười. “Anh đã lột xác. Trong giọng nói của anh có tình yêu thương và đôi mắt anh tỏa sáng.”

“Anh định nói rằng tôi đang phá vỡ lời thề sẽ tuân thủ anh lúc trước khi đi trên Con đường à?”

“Anh không phá vỡ lời thề đó. Anh không sợ hãi, cũng không lười nhác. Anh cũng không nên nghĩ rằng tôi đã ra lệnh cho anh một cách vô ích. Anh không muốn leo lên thác nước vì anh nghĩ tới những tay đạo sĩ hắc ám (*). Anh không phá vỡ lời thề chỉ bởi vì anh đã dùng đến khả năng đưa ra quyết định. Không ai được ngăn cản một người hành hương sử dụng khả năng đó.”

(*) Trong Hội tông truyền, đây là tên đặt cho các Giáo chủ đánh mất khả năng tiếp xúc pháp thuật với các tông đồ như đã miêu tả. Thuật ngữ này cũng được sử dụng để miêu tả những Giáo chủ bở dở quá trình học tập sau khi chế ngự được các thế lực trần tục.

Tôi nhìn thác nước lần nữa, rồi lại nhìn Petrus. Tôi đang cân đo đong đếm cơ hội thành công của việc leo thác và có vẻ không nhiều nhặn cho lắm.

“Bây giờ, hãy chú ý này,” Petrus tiếp lời. “Tôi sẽ leo trước anh mà không dùng đến chút tài năng nào. Và tôi sẽ làm được. Nếu tôi thành công bởi biết đặt chân chỗ nào, anh cũng sẽ phải trèo. Tôi đang tước bỏ quyền tự do đưa ra quyết định của anh đó. Nếu anh từ chối, sau khi quan sát tôi trèo, anh sẽ phá vỡ lời thề.”

Petrus bắt đầu cởi giày. Petrus hơn tôi ít nhất chục tuổi, nếu anh ta leo thác thành công, tôi sẽ không có lời ngụy biện nào. Tôi nghiên cứu thác nước và cảm thấy dạ dày thắt lại.

Nhưng Petrus không cử động. Dù đã cởi giày, Petrus vẫn ngồi nguyên đó. Anh ta nhìn lên bầu trời và nói, “Cách đây một vài cây số, năm 1502, Đức mẹ tình cờ trông thấy một cậu bé chăn cừu. Hôm nay là ngày tổ chức tiệc để tưởng nhớ sự kiện đó – Tiệc tưởng nhớ Đức mẹ. Và tôi sẽ dâng chiến thắng của mình cho Đức Mẹ. Tôi khuyên anh cũng nên làm như vậy. Hãy dâng chiến thắng lên Đức Mẹ. Đừng dâng Người nỗi đau đớn của đôi chân anh hay những vết cứa trên đôi bàn tay bởi sỏi đá. Người trên thế gian này chỉ dâng cho Người nỗi đau như một cách để sám hối. Điều đó không sai nhưng tôi nghĩ Đức Mẹ sẽ vui mừng hơn, thay vì chỉ mỗi khổ đau nếu loài người cũng dâng Người niềm vui sướng của họ.

Tôi không có điều kiện nói lời nào vì vẫn nghi ngờ Petrus có leo nổi bức tường không. Tôi nghĩ tất cả chỉ là một trò khôi hài, rằng tôi bị thu hút bởi cách Petrus nói chuyện và anh ta sẽ thuyết phục tôi làm gì đó tôi không thực sự tha thiết muốn làm. Với vẻ mặt hoài nghi, tôi nhắm mắt lại một lúc và cầu nguyện với Đức Mẹ. Tôi hứa nếu chúng tôi có thể trèo lên bức tường, một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại nơi đây.

“Cho đến bây giờ tất cả những gì anh học được chỉ có ý nghĩa nếu được thực hành trong đời sống thực tiễn. Đừng quên rằng tôi đã mô tả với anh Con đường tới Santiago cũng như con đường của một người bình thường; tôi đã nói hàng nghìn lần. Trên Con đường tới Santiago và ngay trong cuộc sống này, sự thông thái chỉ có giá trị nếu nó giúp chúng ta vượt qua được một vài trở ngại.

“Cây búa chẳng có tác dụng gì trên thế giới này nếu không có đinh để đóng. Và dù cho đinh có tồn tại, cây búa sẽ trở nên vô dụng nếu nó nghĩ rằng, “Mình có thể đóng những cái đinh này chỉ bằng hai cú giáng.” Cây búa phải hành động để được đặt vào tay người thợ mộc và được dùng với đúng chức năng của nó.”

Tôi nhớ lời của Giáo chủ ở Itatiaia: “Bất cứ ai sở hữu thanh kiếm phải không ngừng kiểm chứng nó, để nó không bị gỉ sét trong bao.”

“Thác nước là nơi anh thực hành mọi điều đã học,” Petrus nói. “Có một điều phù trợ cho anh: anh biết ngày mình chết, thế nên nỗi sợ không làm anh tê liệt khi anh phải nhanh chóng đưa ra quyết định vin vào chỗ nào. Nhưng hãy nhớ rằng anh sẽ phải làm việc với nước và sử dụng nó để cung cấp điều anh cần. Nhớ rằng anh sẽ phải cắm chặt móng tay vào ngón tay cái nếu suy nghĩ đen tối ngự trị. Và điều tối quan trọng, anh phải tìm được sự ủng hộ cho chính bản thân mình trong tình yêu thương khi anh leo từng phút một, bởi chính tình yêu thương chỉ lối và minh giải mọi bước chân anh.”

Petrus trầm tư. Anh ta cởi áo và quần đùi, rồi khỏa thân hoàn toàn. Petrus tiến vào trong dòng nước lạnh, toàn thân ướt đẫm, giang rộng hai cánh tay lên trời. Tôi có thể nhận ra rầng Petrus đang vui sướng tận hưởng cái lạnh của nước và cầu vồng tạo ra bởi sương mù bao quanh chúng tôi.

“Một điều nữa, Petrus nói trước khi lặn xuống thác nước. “Thác nước này sẽ dạy anh trở thành một Giáo chủ. Tôi sắp sửa trèo đây, nhưng sẽ có một màn nước ngăn cách giữa anh và tôi. Anh sẽ không thể nhìn thấy tôi đặt tay và chân chỗ nào.

“Tương tự, một tông đồ như anh không bao giờ có thể bắt chước bước chân của người hướng dẫn. Anh có cách sống, cách giải quyết vấn đề và cách chiến thắng của riêng mình. Dạy chỉ là minh họa điều khả dĩ. Hoặc là biến điều đó thành khả dĩ cho chính bản thân anh.”

Petrus không nói gì nữa khi biến mất qua lớp màn nước rồi bắt đầu trèo lên. Tôi chỉ có thể nhìn được dáng hình anh ta như thể nhìn qua lớp kính mờ sương. Nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy Petrus đang trèo. Petrus di chuyển hướng về đỉnh thác một cách chậm rãi, không chút mảy may xao động. Petrus càng leo gần lên tới đỉnh, tôi càng sợ hãi vì thời thắc của tôi đang đến gần. Cuối cùng, khoảnh khắc kinh hoàng nhất cũng đã tới: khoảnh khắc khi Petrus phải vượt qua dòng nước chảy mà không vịn bám được vào bên nào. Thủy lực chắc chắn sẽ cuốn phăng Petrus lại mặt đất. Nhưng rồi tôi thấy đầu Petrus trồi lên ở đó, trên đỉnh thác, dòng nước trở thành chiếc áo khoác bạc của anh ta. Tôi chỉ nhìn thấy Petrus trong thoáng chốc vì sau đó, anh ta quăng cả thân mình lên một cách nhanh lẹ, và bằng cách nào đó an vị trên đỉnh bình nguyên, vẫn đắm mình trong dòng này. Thế rồi, trong một vài khoảnh khắc, tôi mất dấu Petrus, không nhìn thấy anh ta đâu.

Cuối cùng, Petrus xuất hiện ở bờ sông, toàn thân ướt đẫm và tỏa sáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Anh ta cười lớn.

“Đi nào,” Petrus hét lên, vẫy tay với tôi. “Đến lượt anh đấy.”

Đến lượt tôi thật rồi. Hoặc là làm, hoặc là tôi sẽ không bao giờ lấy lại được thanh kiếm.

Tôi trút sạch quần áo và lại cầu nguyện với Đức Mẹ. Rồi tôi lặn xuống dòng thác. Nước lạnh cóng, toàn thân tôi tê cứng, nhưng rồi tôi cảm nhận được một cảm giác khoan khoái, cái cảm giác được thực sự tồn tại. Chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi tới thẳng thác nước.

Thủy trọng trên đầu đưa tôi trở về thực cảm, cái cảm giác đánh thức chúng ta ở khoảnh khắc khi phần lớn chúng ta cần phải có niềm tin vào sức mạnh của bản thân mình. Tôi có thể nhận ra rằng thác nước có sức mạnh lớn hơn mình nghĩ, và nếu nước tiếp tục rơi trực tiếp lên đầu, tôi sẽ bị đánh bại, dù cho tôi có giữ cả hai chân bám chặt vào phá. Băng qua thác nước, tôi đứng giữa nước và đá, ở trong một không gian mà cơ thể vừa vặn trong đó, dính chặt lấy bức tường. Từ đó, tôi nhận ra rằng nhiệm vụ này dễ dàng hơn mình tưởng.

Nước không rơi xuống đây và thứ trông như bức tường với bề mặt bóng láng thực ra lại là một bức tường có rất nhiều hốc. Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng tôi đã có thể vượt qua nỗi sợ về sự trơn nhẵn của bức tường để lấy lại thanh kiếm khi hóa ra chính là loại đá mà tôi đã từng leo lên hàng tá lần. Dường như tôi nghe thấy giọng Petrus, “Tôi đã nói với anh rồi mà. Một khi vấn đề được giải quyết thì đơn giản đến kinh ngạc.”

Tôi bắt đầu leo, mặt đối diện với đá ẩm ướt. Trong mười phút, tôi gần như đã leo lên tới đỉnh. Chỉ còn một chướng ngại vật duy nhất: giai đoạn cuối cùng, nơi mà ở đó thác nước lên tới đỉnh của quỹ đạo hướng tới con phá. Chiến thắng đạt được khi leo lên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tôi không thể vượt qua được mạch đường cuối cùng ngăn cách tôi và không khí. Đây chính là nơi nguy hiểm dọn sẵn và tôi đã không thể nhìn ra Petrus thành công bằng cách nào. Tôi lại cầu nguyện với Đức Mẹ của Con đường, người tôi chưa từng nghe qua trước đây nhưng lại là tất cả niềm tin tưởng và hi vọng vào thành công của tôi. Tôi bắt đầu thử ló tóc rồi cả đầu ra khỏi dòng nước đang chảy qua người.

Nước bao lấy toàn bộ cơ thể và làm mờ tầm nhìn. Tôi bắt đầu cảm nhận được áp lực và bám chặt vào đá. Tôi cúi đầu xuống để tạo thành một cái túi khí để thở. Tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào tay và chân mình. Sau tất cả, đôi bàn tay đã từng nắm giữ thanh kiếm cổ và đôi bàn chân tôi đã từng bước đi trên Con đường tới Santiago. Chúng là người bạn đồng hành đã giúp đỡ tôi. Nhưng âm thanh của nước khiến tôi nhức cả óc. Tôi bắt đầu thấy khó thở. Tôi quyết định ló đầu ra khỏi dòng nước, trong một vài giây mọi thứ trở nên tối sầm lại. Tôi vận toàn bộ sức lực để giữ cho tay và chân neo vào hốc, nhưng tiếng nước dường như đưa tôi tới một nơi khác. Đó là một nơi bí ẩn xa xôi, nơi mà chẳng điều gì xảy ra còn quan trọng nữa, đó là nơi tôi có thể đến nếu có sức mạnh. Ở nơi đó, không cần tới sức mạnh siêu nhiên để giữ tay và chân bám vào đá, chỉ có thư thái và yên bình.

Nhưng tay chân tôi không tuân theo sự thôi thúc này để chịu đựng thêm nữa. Chúng đã kháng cự lại một cơn cám dỗ chết người. Rồi đầu tôi bắt đầu từ từ trồi ra từ dòng chảy như khi bước vào. Tôi đã bị vượt qua bởi tình yêu sâu sắc với cơ thể mình. Nó ở ngay đó, trợ giúp tôi trong chuyến leo thác điên rồ này để tìm một thanh kiếm.

Khi đầu tôi hoàn toàn nhô ra khỏi mặt nước, tôi thấy được ánh mặt trời ngay trên đầu và hít một hơi thật sâu. Tôi như lấy lại được sức lực. Nhìn quanh, có thể thấy cách đó vài inch, bình nguyên mà chúng tôi vừa đi bộ dọc theo chính là điểm cuối của hành trình. Trong tôi sôi lên một niềm thôi thúc được quăng mình lên và tóm chặt lấy một thứ gì đó nhưng tôi chẳng thấy gì để chộp lấy qua dòng nước. Niềm thôi thúc mãnh liệt nhưng khoảnh khắc chiến thắng vẫn chưa tới, và tôi phải kiềm chế bản thân. Tôi đang ở chỗ khó trèo lên nhất, nước cứ đập vào ngực, áp lực cứ hằm hè đe dọa hẩy tôi về lại nơi tôi dám bỏ đi để theo đuổi ước mơ.

Không phải lúc để nghĩ về Giáo chủ hay bằng hữu, tôi không thể ngó sang để coi liệu Petrus có giúp mình nếu tôi trượt chân hay không. “Có lẽ Petrus đã leo lên đây hàng nghìn lần rồi,” tôi nghĩ bụng, “và anh ta biết đây chính là nơi tôi cần đến sự trợ giúp nhất”. Nhưng Petrus đã bỏ tôi lại. Hoặc có lẽ anh ta không bỏ rơi tôi nhưng ở đâu đó sau tôi và tôi không thể quay lại tìm anh ta mà không bị mất thăng bằng. Tôi phải làm tất cả. Một mình. Tôi phải giành được chiến thắng.

Tôi giữ chân và một tay bám vào vách đá, tay kia thả lỏng và huơ hòa vào nước. Tôi không muốn gắng sức nữa vì đã dùng hết sức lực rồi. Tay tôi biết điều tay, nó biến thành một con có buông thõng mình bỏ cuộc nhưng lại biết mình muốn đi đâu. Tôi nhớ lại mấy bộ phim từ hồi còn bé, trong đó tôi từng thấy những con cá hồi nhảy lên khỏi thác nước vì chúng có mục tiêu và đơn giản là chúng phải đạt được mục tiêu đó.

Cánh tay tôi đưa lên từ từ, tận dụng áp lực nước. Cuối cùng cánh tay tôi cũng được tự do, và nó có nhiệm vụ phải tìm ra một chỗ bám và quyết định số phận cho toàn bộ phần cơ thể còn lại. Giống như con cá hồi trong phim, bàn tay ngâm trong nước trên đỉnh thác tìm kiếm, tìm một điểm trợ lực cho tôi ở cú nhảy cuối cùng.

Qua hàng thế kỉ, đá trở nên nhẵn bóng do dòng nước chảy. Nhưng nhất định phải có một chỗ vịn: nếu Petrus có thể tìm ra thì tôi cũng làm được. Tôi lại bắt đầu cảm thấy cơn đau dữ dội vì tôi biết giờ đây mình chỉ còn cách thành công một bước nữa thôi. Đây chính là thời khắc sức lực bắt đầu giảm sút và mất niềm tin vào bản thân. Trong cuộc đời mình đã có vài dịp tôi thua cuộc vào phút cuối – bơi qua đại đương và ngụp chìm trong tiếc nuối. Nhưng tôi đang trên Con đường tới Santiago và tôi không cho phép trải nghiệm xưa đó được lặp lại – tôi phải chiến thắng.

Bàn tay tự do của tôi trượt dọc theo tảng đá trơn nhẵn, áp lực ngày càng tăng. Cảm tưởng như tay và chân kia không thể bám trụ được nữa và tôi sắp sửa bị chuột rút đến nơi. Nước đập vào dương vật, đau khôn thấu. Thế rồi đột nhiên bàn tay tự do của tôi tìm thấy một cái hốc trên đá. Cái hốc không lớn và không ở phía bên tôi muốn leo lên, nhưng nó có thể làm trụ cho tay kia. Tôi ghi nhớ vị trí của cái hốc trong đầu và bàn tay tự do lại tiếp tục tìm kiếm. Cách cái hốc đầu tiên vài inch, tôi lại tìm thấy một cái khác.

Đây rồi! Có một chỗ mà hàng thế kỷ nay đã làm chỗ bám cho những người hành hương hướng về Santiago. Tôi có thể thấy nó và bám vào bằng tất cả sức lực. Tay kia được tự do và bị đẩy lại bởi lực nước theo hình vòng cung sượt qua bầu trời, nhưng lại với được và tìm thấy chỗ bám víu. Với một cử chỉ nhanh lẹ, toàn thân tôi lần theo con đường được mở ra bởi tay mình, rồi tôi quăng mình lên trên.

Bước quan trọng nhất và cũng là bước cuối cùng đã được thực hiện. Toàn thân tôi trồi lên khỏi mặt nước và chỉ một lát sau, ngọn thác dữ dằn đã trở thành một dòng nước nhỏ, hầu như không chuyển động. Tôi bò lên bờ, kiệt sức. Mặt trời chiếu lên cơ thể tôi, sưởi ấm cho tôi. Tôi tự nhủ rằng mình đã chiến thắng, rằng tôi còn sống như lúc trước khi tôi đứng dưới ngọn thác. Tôi nghe thấy tiếng bước chân Petrus tiến lại gần trong thanh âm của nước.

Tôi muốn đứng dậy và cho cả thế giới biết tôi hạnh phúc nhường nào nhưng cơ thể kiệt quệ của tôi từ chối.

“Nghỉ ngơi thư giãn một chút đi đã,” Petrus nói. “Cố thở thật chậm.”

Tôi làm theo lời Petrus rồi chìm dần vào giấc ngủ – một giấc ngủ sâu không mộng mị. Khi tôi tỉnh dậy, mặt trời đã lặn. Petrus vận quần áo chỉnh tề, đưa cho tôi quần áo và bảo chúng tôi phải đi tiếp.

“Tôi mệt lắm,” tôi đáp,

“Đừng lo. Tôi sẽ dạy anh cách thu nạp năng lượng từ vạn vật xung quanh.”

Và thế là Petrus dạy tôi Bài tập thở của RAM.

Tôi thực hiện bài tập trong năm phút và cảm thấy khá hơn. Tôi đứng dậy, mặc quần áo và cầm lấy ba-lô.

“Tới đây,” Petrus nói. Tôi tới bên bờ vách đá. Nước dưới chân chảy xiết.

“Nhìn từ đây có vẻ dễ dàng hơn là nhìn từ dưới đó,” tôi nói.

“Đúng vậy. Nếu lúc trước tôi cho anh thấy từ đây, anh sẽ lạc lối. Anh sẽ đưa ra phân tích sai lầm về các cơ hội.”

Tôi vẫn cảm thấy rệu rã và lặp lại bài tập. Chẳng mấy chốc, toàn vũ trụ về tôi hòa hợp với tôi và tiến sâu vào trong tim. Tôi hỏi Petrus tại sao anh ta không dạy cho tôi bài tập thở của RAM trước đó bởi đã nhiều lần tôi biếng nhác và mệt mỏi trên Con đường tới Santiago.

“Vì chẳng bao giờ trông anh giống như anh cảm nhận,” Petrus cười lớn. Rồi Petrus hỏi liệu tôi có còn bánh quy bơ mua ở Astorga không.

_________________________

Bài tập thở RAM

Đẩy hết khí ra khỏi phổi, làm rỗng phổi đến mức có thể. Từ từ hít vào khi nâng hai cánh tay càng cao càng tốt. Khi hít vào, tập trung vào việc cho tình yêu, yên bình và sự hòa hợp với vũ trụ tiến vào trong cơ thể.

Giữ lượng khí vừa hít vào và giữ tay ở vị trí vừa nâng lên càng lâu càng tốt, tận hưởng sự hòa hợp giữa cảm thức nội tại và thế giới bên ngoài. Khi đạt tới giới hạn, nhả khí ra thật nhanh và nói “RAM”.

Lặp lại quá trình này trong năm phút mỗi khi thực hiện bài tập.

 

Leave a comment